Năm học tới, mức trần học phí đại học sẽ tăng từ 240.000 đồng lên 340.000 đồng và năm 2014 là 800.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, nhiều ngành học được miễn tới 70% học phí.
> Sinh viên công lập đóng học phí cao ngất ngưởng
Theo dự thảo nghị định về cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, năm học 2010-2011 mức thu tối đa khối đại học là 340.000 đồng và năm 2014 là 800.000 đồng một tháng. Khối trung cấp nghề, mức thu tối đa năm 2010 là 270.000 đồng và năm 2014 là 700.000 đồng.
So với khung học phí của hệ đại học, mức thu của hệ TCCN có hệ số bằng 0,7; CĐ và CĐ nghề bằng 0,8; thạc sĩ bằng 1,5 và tiến sĩ bằng 2,5.
Học sinh tiểu học, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học và hệ cử tuyển không phải đóng học phí. Còn học sinh, sinh viên mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa hoặc tàn tật, thuộc diện hộ nghèo, hoặc học ngành sư phạm... đều được miễn học phí.
Ngoài ra, theo dự thảo, học sinh sinh viên các ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại khác được giảm tới 70% học phí. Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề; con gia đình hộ cận nghèo... được giảm 50% học phí.
Theo Bộ GD&ĐT, đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập, mức học phí phải phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.
Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức học phí, đồng thời phải thực hiện quy chế công khai do Bộ quy định.
Trước tình trạng loạn mức thu đào tạo theo tín chỉ, Bộ GD&ĐT đưa ra nguyên tắc xác định mức thu học phí đào tạo theo hình thức này. Theo đó, mức thu học phí của một tín chỉ bằng tổng thu học phí của toàn khóa học (mức học phí hằng tháng nhân với 10 tháng và nhân với số năm học) chia cho tổng số tín chỉ toàn khóa. Nếu nguyên tắc này được áp dụng, sinh viên các trường sẽ không còn phải than phiền về mức thu quá cao như hiện nay.
nguồn tinnhanh
Admin