Hành động nuốt chửng thức ăn được xem là nguyên nhân khiến loài khủng long ăn cỏ có thân hình to lớn với chiếc cổ dài và đầu nhỏ. Đó là kết luận của các nhà khoa học Đức.
Theo nghiên cứu của ĐH Bonn đăng trên tạp chí Sinh học, nếu loài khủng long trên ngừng lại để nhai thì chúng sẽ không có thời gian để ăn. Việc nuốt chửng sẽ giúp đưa thức ăn vào dạ dày một cách nhanh chóng. Vì vậy, chúng cần đến những cái cổ dài.
Các loài động vật ăn nhiều và nhai như voi, cần có phần đầu lớn để có đủ không gian cho các cơ hàm và hàm răng khổng lồ. Tuy nhiên, do khủng long không nhai thức ăn nên một chiếc đầu to là không cần thiết.
Ngoài ra, phần cổ dài giúp những con khủng long to lớn đưa thức ăn xuống nhanh hơn và không gặp bất kỳ điểm dừng nào.
Trong khi voi cần 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày để “thỏa mãn” cơn đói thì những con khủng long ăn cỏ phải cần tới 30 tiếng đồng hồ mới có thể lấp đầy dạ dày rỗng. Vì vậy, việc nuốt chửng thức ăn là cần thiết để chúng rút ngắn được thời gian.
Giáo sư Sander khẳng định việc nuốt chửng thức ăn không có hại với khủng long ăn cỏ.
Giáo sư Martin Sander, ĐH Bonn, cho biết, hành động nuốt chửng cây cối mà không cần nhai không phải là vấn đề lớn đối với khủng long.
Các loài động vật thuộc họ thằn lằn thay răng thường xuyên, khoảng một tháng một lần. Phần dạ dày lớn và quá trình trao đổi chất mãnh liệt giúp chúng có thể tiêu hóa được bất kỳ loại thức ăn chưa nhai nào.
Khủng long còn sở hữu một hệ thống hô hấp hiệu quả giống như các loài chim với nhiều túi khí gắn ở xương và các khoang cơ thể.
“Theo lịch sử, phổi của các loài chim và khủng long ăn cỏ có cùng một nguồn gốc. 200 triệu năm trước, đã có rất nhiều sự kết hợp “không tưởng” diễn ra và đó có thể là nhân tố tạo nên hình dáng khổng lồ của khủng long”, giáo sư Sander nhận định.
Mrone_kullove