Cách đây hơn 20 năm, Fritjof Capra xuất bản cuốn Đạo của Vật Lý (The Tao of Physics). Cuốn này tức thời nổi tiếng, cả hai giới khoa học và bình dân đều tán thưởng cuốn sách này. Phản ứng trên thật ra cũng dễ hiểu, vì có thể nói đây là lần đầu tiên một vật-lý-gia đã viết một cách bình dân dễ hiểu để đưa ra và so sánh khá nhiều những sự giống nhau giữa những quan niệm mới của khoa vật-lý-học các hạt nhỏ và triết lý tôn giáo Đông Phương, đặc biệt nhất là Đạo Phật. Sau đó Gary Zukav xuất bản cuốn Điệu Vũ Của Các Thầy Vật-Lý (The Dancing of Wu-Li Masters), và Michael Talbot, cuốn Huyền Nhiệm học và Vật-Lý Mới (Mysticism and the New Physics). Hai cuốn này viết theo đường hướng giống như của Capra nhưng không có gì đặc biệt hơn, và cũng không nổi tiếng bằng cuốn The Tao of Physics.
Có một điểm chung trong cả ba cuốn sách nêu trên: muốn giải thích một số hiện tượng trong ngành Vật- Lý các hạt nhỏ ở mức năng lượng cao (high energy particle physics), các khoa học gia phải nhờ vào những quan niệm xa xưa của các tôn giáo Đông Phương, nhất là Đạo Phật. Nói cách khác, triết lý Phật-Giáo đã giúp các khoa học gia giải quyết được một số khó khăn trong ngành vật-lý mới. Trong khi đó, gần đây, một số phật-tử, có lẽ có mặc cảm trước những hào quang tiến bộ của khoa học vật chất, lại theo con đường ngược lại, tìm cách dùng khoa học để "chứng minh" một số quan niệm trong Phật Giáo, cho rằng như vậy là để làm tăng uy tín của Phật Giáo. Tôi cho rằng đấy là một hành động ngược chiều.
Trong bài này tôi sẽ cố gắng trình bày để các độc giả thấy rõ phần nào một sự thực: những căn bản, phương pháp khảo cứu khoa học, những tiêu chuẩn khảo cứu trong khoa học thực nghiệm v..v.. đều có thể tìm thấy trong những kinh điển Phật Giáo, chưa kể tới một số thành quả trong khoa học tân tiến ngày nay chẳng qua cũng chỉ là khám phá lại những điều mà đức Phật và các đệ tử truyền thừa đã khám phá ra từ hơn 2000 năm về trước. Nhưng trước hết, có lẽ chúng ta cũng nên duyệt qua vài nhận định về Phật Giáo và Khoa-Học của một số người có tên tuổi trong cộng đồng quốc tế.
1. Albert Einstein, nhà khoa-học nổi tiếng nhất thế kỷ 20 về thuyết tương đối trong vật-lý, đã phát biểu như sau:
"Nếu có một tôn giáo nào thích nghi được với những nhu cầu khoa học tân tiến thì đó là Phật Giáo."
(If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism).
2. Sir Edwin Arnold, người nổi tiếng về cuốn thơ Ánh Sáng Á Châu (The Light of Asia), khẳng định rằng:
"Tôi thường nói, và tôi sẽ còn nói hoài, là giữa Phật-Giáo và Khoa- học tân tiến có một mối liên hệ trí thức mật thiết."
(I have often said, and I shall say again and again, that between Buđhism and modern Science there exists a close intellectual bond.)
3. Bertrand Russell, nhà triết-học và toán-học nổi tiếng hoàn cầu, trong cuốn Lịch sử triết học Tây Phương (History of Western Philosophy) đã viết:
"..Phật-Giáo là một tổ hợp của triết lý suy cứu và triết lý khoa học. Phật Giáo ủng hộ phương pháp khoa học và theo phương pháp này để tới một cứu cánh có thể gọi là thuần lý. Phật Giáo còn tiếp tục tiến xa hơn khoa học nơi khoa học không thể tiến thêm vì khoa học bị giới hạn bởi những dụng cụ vật lý."
(..Buddhism is a combination of both speculative and scientific philosophy. It advocates the Scientific method and pursues that to a finality that may be called rationalistic...It takes up where science cannnot lead because of the limitations of the latter s physical instruments.)
4. Tiến sĩ Radhakrishnan:
"Nếu Phật Giáo hấp dẫn đối với trí óc tân tiến đó là vì Phật Giáo có tinh thần khoa học, thực nghiệm, chứ không phải là dựa trên bất cứ tín điều nào"
(If Buddhism appealed to the modern mind it was because it was scientific, empirical and not based on any dogma.)
5. Tiến sĩ Graham Howe, nhà Phân Tâm Học nổi tiếng của Anh Quốc. đã nói như sau:
"Đọc một chút về Phật Giáo ta cũng có thể nhận thức được rằng, từ 2500 năm trước, Phật Giáo đã biết về những vấn đề mới về tâm lý nhiều hơn là chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra phương thức giải quyết chúng. Ngày nay chúng ta chỉ khám phá lại trí tuệ thông thái cổ xưa của Đông phương."
(To read a little Buddhism is to realize that the Buddhists knew, 2,000 years ago, far more about modern problems of psychology than they have been given credit for. They studied these problems long ago and found the answers also. We are now rediscovering the ancient wisdom of the East.)
Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao những nhân vật nổi danh trên, và nhiều nhân vật khác nữa mà tôi không thể kể hết ra đây, lại đưa ra những nhận định như vậy.
A) Chúng ta biết rằng đối tượng khảo sát của khoa vật-lý-học là vật chất. Khi khảo sát vật chất, các khoa học gia thường dùng năm giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân để biết về những đối tượng của giác quan như hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác qua sự tiếp xúc, và những thứ còn lưu lại trong ý thức. Ngoài ra những khảo sát khoa học thường được đặt trong những khái niệm về thời gian, phương hướng, vận tốc di chuyển, thứ tự, và số lượng, cộng với những dụng cụ đo lường do con người phát minh để đáp ứng những nhu cầu khảo sát. Nếu chúng ta biết về Duy-Thức Học trong Phật Giáo thì chúng ta thấy rằng các khoa học gia chỉ dùng có 16 phần trăm của số 100 Pháp được phân loại thành 8 Tâm Pháp, 51 Tâm-Sở-Hữu Pháp, 11 Sắc Pháp, 24 Tâm-Bất-Tương-Ưng Hành Pháp, và 6 Vô-Vi Pháp (Xin đọc Đại-Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận), nghĩa là các khoa-học-gia chỉ xử dụng tới 11 Sắc Pháp trong đó có 5 căn là nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân thể); và 6 trần là sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, và Pháp trần (hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác do tiếp xúc, và bóng dáng của 5 trần trên còn lưu lại trong ý thức khi các căn không còn tiếp xúc trực tiếp với trần nữa), cộng với 5 tâm pháp trong số 21 tâm-bất-tương-ưng hành pháp là thời gian, phương hướng, vận tốc di chuyển, số lượng, và thứ tự (thời, phương, thế tốc, số, và thứ đệ). Ở đây tôi không có ý định đi sâu vào thiên luận 100 Pháp đại thừa mà chỉ muốn nói lên điểm cốt yếu như sau: khi mà khoa học không thể tiến hơn được nữa vì những giới hạn tự tại của 5 căn 6 trần và của những dụng cụ đo lường thì Phật Giáo vẫn tiếp tục đi xa hơn, bởi lẽ Phật Pháp, ngoài sự khảo sát những đối tượng vật chất còn chú trọng nhiều đến những vấn đề tâm linh, cho nên đã vượt qua, đi ra ngoài những giới hạn vật lý của khoa-học. Do đó chúng ta có thể nói Phật Giáo là một Siêu-Khoa-Học (Super-science) được thành lập trên căn bản trí tuệ Bát Nhã (trí tuệ nhận thức được thực tướng của vạn Pháp). Trong Phật Giáo, Duy-Thức Học cho chúng ta một hệ thống triết lý, phân tâm học rất đầy đủ và tiến bộ hơn bất cứ hệ thống nào trong khoa học hiện đại.
B) Nếu chúng ta đã quen với cách viết một bản phúc trình khoa học thì chúng ta thấy rằng, ngay ở phần đầu của bản phúc trình chúng ta phải liệt kê những điểm sau đây: tên người phụ trách chính và các phụ tá nếu có, thời gian và nơi làm thí nghiệm, đối tượng của thí nghiệm, những vật liệu và dụng cụ máy móc dùng để làm thí nghiệm, trước khi viết phần chính của bản phúc trình. Điều này hầu như là một mẫu mực chung trong giới khoa học.
Nay ta thử đi vào cấu trúc của các kinh điển Phật Giáo.
Tất cả kinh Phật đều được bắt đầu bằng một phần thông tự mà ngay đầu tiên là 6 điều tin chứng hay 6 điều thành tựu (lục-chủng-chứng-tín hay lục-chủng-thành-tựu): Tín, Văn, Thời, Chủ, Xứ, Chúng. Muốn hiểu rõ hơn chúng ta hãy lấy một thí dụ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm bắt đầu bằng: "Tôi nghe như vậy, một thời nọ, Phật ở tại tịnh xá Kỳ Hoàn, thành Thất La Phiệt, cùng 1250 đại Tỳ Khưu ..." "Như vậy" biểu thị một khẳng định đáng tin (Tín), "Tôi nghe" biểu thị nguồn gốc của sự hiểu biết (Văn), "Một thời nọ" chỉ định thời gian tính (Thời), "Phật" chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị hóa chủ của đại chúng và là người thuyết Kinh (Chủ), "Tại ..." chỉ nơi thuyết Kinh (Xứ), "Cùng với ...." chỉ những người nghe Phật thuyết Kinh (Chúng). Như vậy, phần thông tự chứng tỏ tính chất xác thực của Kinh, và 6 điểm kể trên đã dự phần bố trí hệ thống của toàn Kinh và biện chứng để dẫn khởi lòng tin tưởng của người học Phật, cho nên được gọi là 6 điểm thành tựu. Cái tinh thần chính xác, rõ ràng, minh bạch của Kinh Phật cũng là cái tinh thần mà các khoa học gia ngày nay đòi hỏi phải hội đủ trong bất cứ một công cuộc thí nghiệm nào.
C) Đi thêm vào chi tiết, nếu chúng ta đọc cuốn huấn thị cho khoa học (Instruction Book of Science) chúng ta thấy phương pháp khảo cứu khoa-học được đặt trên một số tiêu chuẩn như sau:
1. Đối tượng của thí nghiệm (The objects of the experiment)
2. Vật liệu, dụng cụ cần thiết để làm thí nghiệm (The materials, instruments and tools necessary for the experiment)
3. Lý thuyết về thí nghiệm (The theory of the experiment)
4. Phương pháp và tiến trình thí nghiệm (Methods and steps to work out the experiment)
5. Kết quả thí nghiệm (Results of the experiment)
6. Những điều cần để ý và coi chừng khi làm thí nghiệm (Requisites for attention and precautions in working out the experiment)
7. Kết luận để kiểm chứng giá trị của lý thuyết và những kết quả thực dụng của nó (Conclusion to verify the validity of the theory and its practical results)
Đọc Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy trong Kinh có những phần sau đây:
1. Nguyên nhân Phật thuyết Kinh (Phần Thông Tự)
2. Đối tượng của tu chơn-tâm (7 thường trụ xứ của Tâm)
3. Lý thuyết tu chơn-tâm (Chỉ rõ Tính Thấy, Tóm thu 4 Khoa và 7 Đại về Như-Lai Tạng để phát khởi chỗ chơn-ngộ)
4. Phương pháp và các trình độ tu chứng (25 phương pháp viên thông và 7 Thánh vị).
5. Lợi ích của sự tu tập, đối với cá nhân và chúng sinh (Tuyên nói Tâm Chú, khai thị những lợi ích)
6. Những điều cần để ý và coi chừng khi tu tập (Khai thị chỗ hư vọng của 7 loài để khuyến khích tu hành chánh Pháp và phân biệt các Ấm ma)
7. Kết luận (Phần lưu thông, công đức trì Kinh, được Phúc, tiêu tội, trừ ma)
Chúng ta có thể thấy ngay những điểm giống nhau về phần cấu trúc của cuốn huấn thị về khoa học và của cuốn Kinh Phật.
Làm bảng so sánh trên, tôi không có ý định chứng tỏ Khoa Học và Phật Giáo giống nhau cả về hình thức lẫn nội dung, mà chỉ muốn tỏ rõ một điều: Kinh Phật được xếp đặt một cách rất khoa học. Điều này thật ra cũng dễ hiểu, vì những phương pháp tu tập trong Phật Giáo và những phương pháp khảo cứu khoa học đều đặt trên những căn bản giống nhau:
1. Không để cho tình cảm chi phối.
2. Hoàn toàn khách quan.
3. Phân tách mọi vấn đề một cách có hệ thống.
4. Kết quả dựa trên thực nghiệm.
Ngoài ra Jeremy W. Hayward, một vật-lý-gia nổi tiếng về những thuyết trình của ông về Phật Giáo và tương quan của Phật Giáo với những truyền thống Tây Phương và khoa học, trong cuốn Shifting Worlds, Changing Minds: Where the Sciences and Buddhism Meet cũng đưa ra 4 tiêu chuẩn mà một hệ thống tín ngưỡng cần hội đủ để cho con người có thể chấp nhận với một tinh thần khoa học. Tôi không có ý định bàn luận về những tiêu chuẩn này nên không đi vào chi tiết, mà chỉ liệt kê sau đây 4 tiêu chuẩn của Hayward:
1. Ý thức được sự tương đối của các hệ thống tín ngưỡng và sự tương quan giữa "vũ trụ" và "tâm".
2. Có thể vạch rõ chi tiết về sự hiện hành của "tâm" và "thực tại", nghĩa là có thể đưa ra một lý thuyết duyên khởi về sự biểu hiện của những đối đãi nhị nguyên trong phạm trù nhất nguyên.
3. Có một kỹ thuật, phương pháp để thực chứng chân lý "Không hai" này.
4. Nhưng cùng lúc không nằm ngoài vòng đối đãi nhị nguyên.
Và, Hayward chứng tỏ rằng Phật Giáo đã hội đủ 4 tiêu chuẩn trên.
Chúng ta đã thấy, khoa-học và Phật-Giáo có nhiều điểm giống nhau. Nhưng thực ra thì đó chỉ là giống nhau phần nào về phương diện hình thức, còn căn bản thì vẫn khác nhau, vì đối tượng của khoa học khác với đối tượng của Phật Giáo. Kiến thức khoa học là về thế giới bên ngoài, đặc biệt là thế giới vật chất, cho nên bị buộc trong không gian và thời gian. Trong khoa học, cho tới bây giờ, chân lý chưa đạt được, vì khoa học luôn luôn thay đổi để phù hợp với những hiểu biết mới của con người. Khoa học chỉ có thể cung cấp cho con người những dữ kiện tương đối. Trái lại, trong Phật Giáo, chân lý đã được thể hiện và có tính cách tuyệt đối, bởi vì Phật Giáo chú trọng đến cái "biết" bên trong do thực chứng. Phật Giáo đi thẳng tới chân lý tuyệt đối chứ không cần qua ngả các phát minh tương đối. Do đó, nhiều khoa-học-gia đã đồng ý rằng: Phật Giáo bắt đầu nơi khoa học tận cùng (Buddhism begins where science ends.) Khoa học có thể cung cấp cho chúng ta những tiện nghi thoải mái vật chất và trí thức, nhưng không phải là chân lý, vì bản chất tương đối tự tại của khoa học. Chỉ khi nào con người tiếp xúc được với tuyệt đối và sống trong chân lý, khi đó con người mới có thể có được chân hạnh phúc, một thứ hạnh phúc vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị nguyên. Và đây chính là cứu cánh chung cùng của Phật Giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sir Edwin Arnold, "The Light of Asia", The Theosophical Publishing House, Illinois, USA, 1971.
2. Wang Chi Buu, "A Scientist s Report on Study of Buddhist Scriptures", Published by the Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, Taipei, Taiwan R.O.C.
3. Fritjof Capra, "The Tao of Physics", Shambhala, Boulder, 1975.
4. K. Sri Dhammananda, "Great Personalities on Buddhism", B.M.S. Publication,
Malaysia, 1965.
5. Thích Nhất Hạnh, "Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học", Phật-Học-Viện Quốc Tế, Sepulveda, CA., 1980.
6. Jeremy W. Hayward, "Shifting Worlds, Changing Minds: Where the Science and Buddhism Meet", Shambhala, Boston & London, 1987.
7. Thích Thiện Hoa, "Phật Học Phổ Thông, Khóa thứ VI-VII và IX", Phật-Học-Viện Quốc-Tế, Sepulveda, CA., 1981.
8. Hsuan Hua, "Shastra on the Door to Understanding the Hundred Dharmas", Talmage, CA. 1983.
9. Tâm Minh, "Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm", Phật-Học-Viện Quốc-Tế, Sepulveda, CA., 1981.
10. Robert Powel, "Zen and Reality", The Viking Press, New York, 1974.
11. Michael Talbot, "Mysticism and The New Physics", Bantam Books, 1981.
12. Gary Zukav, "The Dancing Wu-Li Masters", Bantam Books, 1979.
Mrone_kullove