Chúng ta thường lấy nước để dập
tắt ngọn lửa của những đám cháy, nhưng
tại sao nước lại có thể dập tắt được lửa ?
Vấn đề tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng có đáp án chính xác cho
câu hỏi này.
Dưới đây là giải thích của nhà vật lý Ia. I. Perenman. Thứ
nhất, hễ nước gặp một vật đang cháy thì nó biến thành hơi và hơi này
lấy đi rất nhiều nhiệt của vật đang cháy. Nhiệt cần thiết để biến nước
sôi thành hơi nhiều gấp 5 lần nhiệt cần thiết để đun cùng thể tích nước
lạnh ấy lên 100 độ.
Thứ hai, hơi nước hình thành lúc ấy chiếm
một thể tích lớn gấp mấy trăm lần thể tích của khối nước sinh ra nó.
Khối hơi nước này bao vây xung quanh vật đang cháy, không cho nó tiếp
xúc với không khí. Thiếu không khí, sự cháy sẽ không thể duy trì được.
Để tăng cường khả năng làm dập lửa của nước, đôi khi người ta còn
cho thêm … thuốc súng vào nước. Điều này thoạt nghe thì thấy lạ, nhưng
rất có lý: thuốc súng bị đốt hết rất nhanh, đồng thời sinh ra rất nhiều
chất khí không cháy. Những chất khí này bao vây lấy vật thể, làm cho sự
cháy gặp khó khăn.
Có thể dùng nước đại dương dập tắt núi lửa không?
Vào năm 1973, từng có ý tưởng nhằm dập tắt một ngọn núi lửa đang phun
trào đe doạ bến cảng đảo Heimaey ngoài khơi Iceland. Nước biển sẽ được
bơm theo đường ống tới để làm Đông nham thạch chảy ra ngay tại chỗ…
Người ta còn tính cả tới việc sử dụng chất nổ để phá vỡ lớp ngoài
đã tương đối nguội của dòng nham thạch chảy vào bến cảng của hòn đảo,
cho phép nước biển làm nguội lớp nham thạch nóng đỏ bên trong và từ đó
kiểm soát sự tiến triển của nó.
Tuy nhiên, các chuyên gia tính
toán rằng nếu nước biển tiếp xúc với nham thạch nóng chảy trong tình
huống đó, một vụ nổ hơi nước có thể sẽ phá vỡ cho nhiều nham thạch tràn
ra hơn, nhiều nước tràn vào hơn và tạo nên phản ứng dây chuyền. Các
chuyên gia lo ngại phản ứng này có thể kéo theo toàn bộ nham thạch dưới
nước, dẫn tới một vụ nổ tương đương với một quả bon Hydro có công suất
vài megaton, gây thảm hoạ cho các hòn đảo và các con sóng khổng lồ của
đại dương sẽ nhấn chìm các bến cảng xung quanh vành đai Bắc Đại Tây
Dương. Kế hoạch này do đó đã bị hoãn lại và dòng chảy của nham thạch
cuối cùng đã chững lại, để lại bến cảng vẫn hữu dụng.
Trên
thực tế, vẫn có những ngọn núi lửa ngầm nằm dưới biển sâu. Đá nóng chảy
của các ngọn núi này chảy tràn ra trên đáy của các đại dương nhưng lại
được nước biển làm nguội, tạo ra nham thạch gối. Ở độ sâu 2000 mét, áp
suất cao ngăn cản việc hình thành các vụ nổ hơi nước. Nhưng lên cao hơn,
khi áp suất giảm đi, các vụ nổ này liên tiếp xảy ra. Người ta đã đo
được lúc núi lửa phun ở Surtsey, một hòn đảo ngoài khơi Iceland, cứ 3
phút lại có một vụ nổ tương đương với sức công phá từ 20 đến 40 kiloton.